Dịch vụ nha khoa
Bài viết xem nhiều
Bài viết mới nhất
ĐỘ TUỔI NÀO NÊN ĐIỀU TRỊ NẮN CHỈNH RĂNG
Các trường hợp sai khớp cắn và biến dạng mặt do dị tật bẩm sinh cần được điều trị chỉnh nha sớm ngay khi trẻ mới ra đời và cần phối hợp điều trị với nhiều chuyên gia thuộc các lĩnh vực khác như chuyên gia nhi khoa, Tai mũi họng, phẫu thuật hàm mặt, luyện phát âm.
Các trường hợp sai khớp cắn khác ở trẻ bình thường, theo Hiệp hội nắn chỉnh răng của Mỹ, khi trẻ 7 tuổi Bố, mẹ hoặc người giám hộ nên đưa trẻ đi khám và tư vấn lần đầu tiên với Bác sỹ chuyên sâu nắn chỉnh răng (hay còn gọi là chuyên gia chỉnh nha ). Tuy nhiên mới gần đây theo trường phái điều trị chỉnh nha Biogressive, (đây là trường phái điều trị chỉnh nha bằng cách điều chỉnh sự phát triển sinh học sự phát triển mặt hàm với các khí cụ tác động với nguyên lý sinh cơ học) thì nên đưa trẻ đến khám chuyên gia chỉnh nha lần đầu tiên khi trẻ 4 tuổi.
Khi điều trị chỉnh nha sớm, loại bỏ các thói quen xấu hoặc các vấn đề do phanh môi, lưỡi bám bất thường gây ra, sẽ định hình và giúp cho hệ thống cung hàm, răng, mặt phát triển bình thường và có đủ chỗ cho các răng mọc trên cung hàm, giảm nguy cơ nhổ bớt răng trong quá trình điều trị chỉnh nha.
Khi trẻ đến khám vào lúc 4 tuổi, không phải trường hợp nào cũng cần điều trị chỉnh nha ngay. Tuỳ từng trường hợp, Bác sỹ chuyên sâu về chỉnh nha sẽ quyết định thời điểm điều trị nắn chỉnh, với mục đích giảm tối thiểu thời gian đeo khí cụ và như vậy sẽ giúp trẻ có tuổi thơ ăn uống và sinh hoạt thoải mái nhất do không có khí cụ trong miệng.
Các trường hợp điều trị chỉnh nha sớm khi trẻ còn nhỏ và còn nhiều răng sữa chưa thay hết, thường phải điều trị qua hai giai đoạn. Giai đoạn đầu thường kéo dài 1-1,5 năm và sau đó tháo khí cụ và theo dõi chờ các răng vĩnh viễn thay hết trên cung hàm sẽ chuyển sang giai đoạn 2 điều trị toàn diện.
Với các trường hợp có thói quen xấu: Bác sỹ sẽ tư vấn đeo hàm sớm để loại bỏ thói quen xấu. Tuỳ từng loại thói quen xấu mà BS sẽ có những phương pháp điều trị thích hợp với các khí cụ nhằm loại bỏ các thói quen xấu này. Ví dụ trẻ có tật mút ngón tay, trẻ sẽ được tư vấn để bỏ dần thói quen này bằng các biện pháp đơn giản nhất như tư vấn tâm lý, đến các biện pháp cưỡng chế từ nhẹ đến nặng, như băng ngón tay để trẻ chạm được vào da của ngón tay đến biện pháp băng khuỷu tay để trẻ không cho tay lên mút được và nặng hơn làm rào với các thanh nhọn để trẻ cảm thấy đau khi cho tay vào mút…Trẻ có tật thở miệng sẽ được BS chỉnh nha khám và phối hợp cùng với chuyên gia Tai mũi họng để loại bỏ các cản trở làm nghẽn đường thở như VA hoặc Amidan to chèn ép đường thở khiến trẻ phải há miệng để thở.
Các trường hợp có cắn ngược (cắn chéo, hay dân gian gọi là móm, là các trường hợp răng cửa trên nằm phía sau so với răng cửa dưới, cần được khám và điều trị chỉnh nha càng sớm càng tốt ngay.
Các trường hợp sai khớp cắn răng cửa trên trùm ra ngoài răng cửa dưới thì có thể trì hoãn điều trị chỉnh nha cho đến thời điểm trước khi trẻ dậy thì 1-2 năm mới cần bắt đầu điều trị chinh nha (thường khoảng 10-12 tuổi với người Việt), vì đây là thời điểm các răng vĩnh viễn sẽ mọc hết trên cung hàm và do đó làm giảm thời gian đeo khí cụ.
Tuổi nào cũng có thể điều trị chỉnh nha, nhưng với những người lớn tuổi, do quá trình bồi xương ở người lớn tuổi không tốt như ở trẻ nhỏ và người trẻ tuổi, do đó thường phải đeo khí cụ duy trì kết quả vào buổi tối kéo dài nhiều năm hoặc suốt đời.
Với các trường hợp sai khớp cắn nặng, có chỉ định phẫu thuật sẽ phẫu thuật khi bệnh nhân đã trưởng thành (nam trên 17 tuổi và nữ trên 16 tuổi).